Quyền nuôi con sau khi ly hôn theo quy định pháp luật hiện hành

Khi giải quyết ly hôn, tranh chấp thường phát sinh đó là tranh chấp về quyền nuôi con sau khi ly hôn. Tuy nhiên không phải người dân nào cũng hiểu rõ quy định pháp luật về vấn đề tranh chấp này. Do đó bài viết sau đây, chúng ta sẽ đề cập về các vấn đề liên quan đến quyền nuôi con sau khi ly hôn để người đọc có thể hiểu hơn về quy định pháp luật trong trường hợp này.

Quyền nuôi con sau khi ly hôn theo quy định pháp luật hiện hành

Quy định về quyền nuôi con sau khi ly hôn

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định cụ thể về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn tại Điều 81:

  • Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
  • Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
  • Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Theo quy định trên, khi thực hiện thủ tục ly hôn, hai vợ chồng cần thực hiện thỏa thuận về quyền nuôi con sẽ thuộc về ai. Nếu như không thỏa thuận được thì lúc này Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con (trường hợp con từ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét mong muốn, nguyện vọng của con) và dựa trên quy định pháp luật Hôn nhân và gia đình để giải quyết tranh chấp quyền nuôi con sau ly hôn.

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp quyền nuôi con sau khi ly hôn

  • Thứ nhất, con dưới 36 tháng tuổi sẽ được ưu tiên quyền nuôi con thuộc về mẹ.
  • Thứ hai, con từ 3 tuổi đến 7 tuổi thì quyền nuôi con của cha và mẹ ngang bằng nhau.
  • Thứ ba, Con trên 7 tuổi thì Tòa án phải xem xét nguyện vọng của con và ghi nhận bằng văn bản.

Nguyên tắc này đưa ra phù hợp với tình hình thực tế xét xử, cũng như là cách thức xử lý nhân văn về quyền nuôi con sau ly hôn. Theo đó, khi con dưới 36 tháng tuổi, độ tuổi còn rất nhỏ cần nhiều sự chăm sóc, trông nom từ người mẹ nên quyền nuôi con sau ly hôn sẽ ưu tiên dành cho người mẹ. Tuy nhiên nếu người mẹ không đáp ứng đủ những điều kiện cơ bản để nuôi con hoặc hai bên cha mẹ có thỏa thuận phù hợp nhất với lợi ích của con thì quyền nuôi con sau khi ly hôn có thể thay đổi.

Khi con từ 3 đến 7 tuổi, quyền nuôi con của cha và mẹ ngang bằng nhau. Hai bên có thể thỏa thuận về quyền nuôi con, không thỏa thuận được thì Tòa án căn cứ vào điều kiện thực tế như vật chất, tinh thần nhằm đảm bảo khả năng nuôi nấng, chăm sóc con để ra quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng.

Khi con trên 7 tuổi, lúc này khả năng nhận biết của con đã đầy đủ, do đó cần quan tâm đến mong muốn nguyện vọng của con rằng con muốn sống với cha hay mẹ để Tòa làm căn cứ đưa ra phán quyết cho phù hợp.

Trường hợp nào cha, mẹ không có quyền nuôi con sau ly hôn?

Theo Khoản 4 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, và Điều 47 Bộ luật dân sự 2015, những trường hợp cha, mẹ không có quyền nuôi con sau ly hôn như sau:

  • Cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự;
  • Cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
  • Cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
  • Cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con;
  • Cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ

Khi thuộc một trong các trường hợp này thì cha mẹ không đủ điều kiện để được giao quyền nuôi con sau ly hôn, quyền nuôi con sẽ thuộc về người giám hộ.

Điều kiện đòi lại quyền nuôi con

Căn cứ Khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sẽ được giải quyết nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau:

Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con 

Khi bản án hoặc quyết định ly hôn có hiệu lực đồng thời đã xác định quyền trực tiếp nuôi con thuộc về ai thì trong trường hợp này, khi bên trực tiếp nuôi dưỡng không đủ khả năng cũng như điều kiện thích hợp để nuôi con thì hai bên có thể thỏa thuận lại về việc thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng con để đảm bảo phù hợp với lợi ích và sự phát triển của con.

Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp chăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con

Trong trường hợp này điều kiện để đòi lại quyền nuôi con khi khởi kiện ra Tòa án gồm:

  • Điều kiện về chủ thể

Người trực tiếp nuôi con phải là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, có tư cách đạo đức, nhân phẩm tốt, không thuộc trường hợp bị hạn chế quyền cha mẹ đối với con cái theo quy định tại (Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

  • Điều kiện về vật chất

Chứng minh bằng việc có tài sản thể hiện qua việc có công việc, thu nhập ổn định, chỗ ở hợp pháp, đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu đối với cuộc sống của con.

  • Điều kiện về tinh thần

Chứng minh bằng việc có thể cung cấp các điều kiện để con có môi trường sống, học tập, vui chơi lành mạnh, đảm bảo sự phát triển tinh thần và nhân cách của con sau này.

Sau khi ly hôn, nếu như không thể thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con thì bên có yêu cầu đòi lại quyền nuôi con cần đưa ra các điều kiện đã được liệt kê trên đây để chứng minh mình có điều kiện tốt hơn để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục con. Từ đó Tòa án sẽ xem xét, đánh giá giải quyết yêu cầu khởi kiện.

Trình tự thủ tục khởi kiện đòi lại quyền nuôi con

Thành phần hồ sơ và thủ tục thực hiện khi tiến hành khởi kiện đòi lại quyền nuôi con gồm:

Thành phần hồ sơ

Cần chuẩn bị các giấy tờ hồ sơ sau gồm:

  • Đơn khởi kiện (Mẫu đơn khởi kiện theo mẫu số 23 – DS ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ- HĐTP do Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ban hành ngày 13/01/2017).
  • Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện (Khoản 5 Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).
    • Bản án/quyết định ly hôn của Tòa án;
    • Giấy khai sinh của con (bản sao);
    • Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (bản sao);
    • Các tài liệu, chứng cứ làm căn cứ để thay đổi quyền nuôi con.

Thủ tục thực hiện

Căn cứ theo quy định tại Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 về quy trình giải quyết đòi lại quyền nuôi con khi đã có Bản án/ Quyết định của Tòa án, thủ tục thực hiện như sau:

  • Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ.
  • Bước 2: Nộp đơn khởi kiện đến Tòa án Nhân dân có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
  • Bước 3: Sau khi nhận hồ sơ hợp lệ, Tòa án sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí.
  • Bước 4: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm và nộp biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.
  • Bước 5: Tòa án thụ lý vụ án, tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung và ra Bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án.
Array