Trái phiếu doanh nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành

Trái phiếu doanh nghiệp là một hình thức huy động vốn mà ta hay bắt gặp tại một số doanh nghiệp. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ và nắm bắt được các quy định pháp luật về các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, bài viết Trái phiếu doanh nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành sẽ giải đáp cho chúng ta về một số vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp theo quy định mới nhất của pháp luật hiện hành.

Trái phiếu doanh nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành

Trái phiếu doanh nghiệp là gì?

Căn cứ theo Khoản 3 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 quy định về khái niệm trái phiếu như sau: 

“Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành”.

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 4 Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 ta có khái niệm trái phiếu doanh nghiệp như sau:

“Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành”.

Theo như các quy định trên, ta có thể kết luận rằng, trái phiếu doanh nghiệp là một hình thức huy động vốn từ các doanh nghiệp với kỳ hạn từ 01 năm trở lên. Các doanh nghiệp sẽ phát hành trái phiếu của công ty mình dưới dạng chứng chỉ hoặc bút toán ghi nợ để thực hiện việc huy động vốn của công ty, cùng với đó những người sở hữu trái phiếu doanh nghiệp sẽ trở thành chủ nợ của doanh nghiệp và được xác lập quyền và lợi ích hợp pháp đối với khoản nợ mà doanh nghiệp đã phát hành.

Đặc điểm trái phiếu doanh nghiệp

Có thể nói, việc tìm hiểu trái phiếu trước khi bắt đầu đầu tư là một trong những bước rất quan trọng. Điều này giúp bạn hiểu rõ về bản chất của trái phiếu đồng thời lựa chọn được những điều phù hợp với nhu cầu mình đặt ra. Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 và khoản 4 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/09/2022 thì trái phiếu doanh nghiệp về cơ bản sẽ có những đặc điểm sau:

 

Đặc điểm Trái phiếu doanh nghiệp
Kỳ hạn của trái phiếu Do doanh nghiệp phát hành quyết định đối với từng đợt chào bán căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Số lượng phát hành trái phiếu Do doanh nghiệp phát hành quyết định đối với từng đợt chào bán căn cứ vào nhu cầu vốn của doanh nghiệp.
Đồng tiền phát hành và thanh toán trái phiếu
  • Trong nước: đồng Việt Nam (VND)
  • Ngoài nước: ngoại tệ theo quy định tại thị trường phát hành và tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.
Mệnh giá của trái phiếu
  • Trong nước: mệnh giá trái phiếu là một trăm triệu (100.000.000) đồng Việt Nam hoặc bội số của một trăm triệu (100.000.000) đồng Việt Nam.
  • Ngoài nước: được áp dụng theo quy định tại thị trường phát hành.
Hình thức phát hành trái phiếu
  • Được ban hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ, hoặc dữ liệu điện tử.
  • Việc phát hành theo hình thức cụ thể nào sẽ tùy vào quyết định của doanh nghiệp trong mỗi đợt phát hành.
Lãi suất danh nghĩa của trái phiếu
  • Có thể xác định lãi suất danh nghĩa theo các hình thức như: lãi suất thả nổi, lãi suất cố định cho cả kỳ hạn trái phiếu, hoặc kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi.
  • Nếu doanh nghiệp phát hành theo lãi suất thả nổi hoặc kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi thì phải đưa ra cơ sở tham chiếu và công bố thông tin đó cho nhà đầu tư.
  • Lãi suất danh nghĩa sẽ tùy vào quyết định của doanh nghiệp, để phù hợp với tình hình tài chính công ty và khả năng thanh toán nợ trái phiếu. Ngoài ra còn phải tuân thủ quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.
Quyền lợi của chủ sở hữu
  • Được thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi khi đến hạn
  • Được quyền chuyển nhượng, thừa kế, dùng làm tài sản, tặng cho, để lại trái phiếu.

Phân loại trái phiếu doanh nghiệp

Dựa trên nhiều loại chủ thể khác nhau sẽ có nhiều cách phân loại cũng như tên gọi mỗi loại trái phiếu khác nhau và mỗi loại đều có những đặc điểm, chức năng riêng. Theo quy định tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 và Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/09/2022 thì ta có các nhóm loại trái  phiếu như sau:

  • Trái phiếu doanh nghiệp xanh: Là loại trái phiếu được phát hành để đầu tư cho dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường;
  • Trái phiếu chuyển đổi: Là loại hình trái phiếu do công ty cổ phần phát hành, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của chính doanh nghiệp phát hành theo điều kiện,điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu;
  • Trái phiếu có bảo đảm: Là loại hình trái phiếu được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phận lãi, gốc bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; hoặc được bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tổ chức tài chính ở nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế theo quy định của pháp luật;
  • Trái phiếu kèm chứng quyền: là loại hình trái phiếu được công ty cổ phần phát hành kèm theo chứng quyền, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông của doanh nghiệp phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.

Đối tượng được phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Căn cứ theo Điều 2 Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 và Điều 46, Điều 74, Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020 thì chủ thể được phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ bao gồm: 

  • Công ty Cổ phần;
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Bên cạnh đó, những chủ thể trên phải được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.

Tại sao trái phiếu được doanh nghiệp ưu tiên sử dụng để huy động vốn thay vì lựa chọn ngân hàng?

Việc huy động vốn là điều rất cần thiết và quan trọng để duy trì và phát triển doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có quyền vay ngân hàng một cách hợp pháp để đảm bảo một lượng vốn nhất định nhưng hiện nay, ta có thể thấy việc phát hành trái phiếu lại được các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng hơn vay ngân hàng. Điều này xuất phát từ một số lý do cơ bản sau:

Thứ nhất, quy trình đơn giản và tiết kiệm chi phí. 

Việc vay vốn từ ngân hàng sẽ có hạn chế về tính linh hoạt của một doanh nghiệp trong việc điều hành hoạt động kinh doanh của mình. Bởi lẽ ngân hàng luôn đặt ra các “giao ước” (quy tắc) về khoản tiền được vay. Bên cạnh đó, thủ tục và quy trình vay vốn Ngân hàng phức tạp, nhiều bước dẫn đến kéo dài thời gian, tốn kém chi phí. Trong khi đó, việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu đơn giản hóa quy trình thủ tục, không quá phụ thuộc vào một chủ thể nào, linh động trong việc huy động vốn.

Thứ hai, tự do sử dụng vốn.

Khi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thay vì vay từ ngân hàng, những người nắm giữ trái phiếu không đưa ra các hạn chế về các điều khoản của thỏa thuận. Các doanh nghiệp thiết lập các quy tắc về giá trị và kỳ hạn của trái phiếu. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu có xu hướng ít cứng nhắc hơn so với ngân hàng. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp ưu tiên phát hành trái phiếu hơn để họ có được nguồn vốn và tự do chi tiêu theo nhu cầu.

Ưu điểm, nhược điểm khi phát hành trái phiếu

Việc phát hành trái phiếu sẽ mang lại những lợi ích sau:

  • Tăng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu doanh nghiệp 

Nếu công ty tạo ra lợi nhuận bằng cách sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu, thì lợi tức trên vốn chủ sở hữu sẽ tăng lên. Điều này là do việc phát hành trái phiếu không làm thay đổi số lượng cổ phiếu đang lưu hành, do đó nhiều lợi nhuận hơn được chia cho vốn chủ sở hữu của công ty.

  • Chi phí lãi vay trên trái phiếu được khấu trừ thu nhập chịu thuế 

Chi phí lãi vay trên trái phiếu được khấu trừ thuế nên công ty có thể giảm thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bằng cách phát hành trái phiếu. Khác với trường hợp phát hành cổ phiếu vì bất kỳ khoản cổ tức nào trả cho cổ đông đều không được khấu trừ thuế. 

  • Bảo vệ cổ đông

Khi nhóm cổ đông hiện hữu không muốn lợi ích sở hữu của họ bị giảm bớt do việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư mới, họ sẽ thúc đẩy phát hành trái phiếu. Vì trái phiếu là một dạng nợ nên sẽ không có cổ phiếu mới nào được bán. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp trái phiếu được chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của tổ chức phát hành; trái phiếu có đặc điểm này được gọi là trái phiếu chuyển đổi và có thể làm giảm lợi ích sở hữu của cổ đông.

  • Giảm thiểu sự tham gia của ngân hàng

Một doanh nghiệp trực tiếp phát hành trái phiếu cho các nhà đầu tư nên không có bên thứ ba. Chẳng hạn như ngân hàng, có thể tăng lãi suất trả hoặc áp đặt các điều kiện cho công ty. Do đó, nếu một công ty đủ lớn để có thể phát hành trái phiếu thì đây là một lợi ích đáng kể so với việc cố gắng vay vốn từ ngân hàng.

  • Giao dịch để có tỷ giá tốt hơn

Nếu lãi suất giảm sau khi trái phiếu được phát hành thì doanh nghiệp có thể mua lại trái phiếu và thay thế bằng trái phiếu có giá thấp hơn. Điều này cho phép doanh nghiệp giảm chi phí tài chính của mình. 

Bên cạnh những lợi ích mà phát hành trái phiếu mang lại thì các doanh nghiệp cũng phải chịu một số bất lợi nhất định:

  • Thanh toán lãi suất thường xuyên cho trái chủ – mặc dù lãi suất có thể cố định nhưng tiền lãi thường sẽ phải được trả ngay cả khi doanh nghiệp thua lỗ;
  • Khả năng giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp bị giảm nếu lợi nhuận của doanh nghiệp giảm – điều này là do thanh toán lãi trái phiếu được ưu tiên hơn cổ tức;
  • Dễ chịu tác động của trái: họ có thể áp đặt các giao ước/cam kết nhất định đối với hoạt động kinh doanh và hoạt động tài chính của doanh nghiệp để hạn chế rủi ro;
  • Việc thay đổi các điều khoản và điều kiện hoặc sự miễn trừ thực hiện với trái chủ có thể khó hơn so với giao dịch với ngân hàng;
  • Phải tuân thủ các quy tắc niêm yết khác nhau. Đáng kể là quy định về nghĩa vụ công bố thông tin công khai về thông tin công ty tại giai đoạn phát hành và trong suốt kỳ hạn của trái phiếu.

 

Một số quy định mới về trái phiếu doanh nghiệp

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/03/2023 sửa đổi và đình chỉ hiệu lực một số điều của các nghị định quy định về chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường quốc tế như sau:

  • Quy định về việc thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác

Theo như quy định tại Khoản 3 Điều 34 Nghị định 153/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp phát hành trái phiếu cần phải thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Đây là quy định chung không phân biệt cho việc chào bán trái phiếu tại thị trường trong nước hay thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, Điều 1 Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã có bổ sung thêm quy định như sau:

“Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư theo quy định tại Điều 17 Nghị định này, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác theo các nguyên tắc sau:

  • Tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đó.
  • Phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận. 
  • Doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật”.

Quy định này đã tạo ra một lối mở cho việc thực hiện thanh toán nợ, lãi của các doanh nghiệp khi chào bán trái phiếu tại thị trường trong nước. Thực chất việc xoay vòng vốn của doanh nghiệp không phải lúc nào cũng có thể diễn ra suôn sẻ. Nhất là trong giai đoạn khi việc lưu thông tiền tệ, lãi suất vay nợ từ ngân hàng, nhà nước được siết chặt như hiện tại. Do đó, việc thanh toán bằng tài sản khác đảm bảo theo các nguyên tắc do luật định sẽ giúp cho các doanh nghiệp giải quyết được bài toán khó trong việc thanh toán gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn.

  • Quy định về thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu

Theo điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/09/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định: Doanh nghiệp không được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành.

Quy định trên đã được Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi theo hướng cho phép doanh nghiệp được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu nhưng phải đảm bảo một số nguyên tắc quy định như sau:

  • “Tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định này.
  • Trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu thì thời gian tối đa không quá 02 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.
  • Đối với người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Trường hợp có người sở hữu trái phiếu không chấp thuận phương án đàm phán thì doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư (kể cả trường hợp việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận).”

Quy định cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể thỏa thuận với các trái chủ để kéo dài thời hạn, giãn hoãn nợ trái phiếu đáo hạn với thời hạn tối đa là 2 năm. Như vậy, doanh nghiệp có thể kéo dài thời hạn trả nợ trái phiếu khi đang gặp khó khăn tài chính. 

  • Tạm ngưng hiệu lực của quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm

Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 08/2023/NĐ-CP quy định ngưng hiệu lực thi hành đối với các quy định sau của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023:

  • Quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân tại điểm d khoản 1 Điều 8 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP.
  • Quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành tại khoản 7, khoản 8 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP.
  • Quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại điểm e khoản 2 Điều 12 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP.

Đối với các đợt chào bán trái phiếu đã gửi nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán cho Sở giao dịch chứng khoán trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành mà chưa hoàn thành việc phân phối trái phiếu thì tiếp tục thực hiện theo quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành tại khoản 7, khoản 8 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP.

Quy định này cho phép việc giãn tiến độ đến hết năm 2023 về việc áp dụng các điều kiện, yêu cầu cao, đáp ứng thông lệ về tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp, về yêu cầu rút ngắn thời gian phân phối trái phiếu và về xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành. Quy định này ban hành đúng lúc và đúng thời điểm, khi bối cảnh thị trường khó khăn và vấn đề về thanh khoản giảm; nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp phát hành và tổ chức xếp hạng tín nhiệm cần có thêm thời gian để sắp xếp chuẩn bị tinh thần, quy trình, nhân lực để giải quyết tình huống khó khăn này.

Array