Quy định pháp luật về nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau ly hôn

Sau khi ly hôn, vấn đề thường gây ra mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên là ai có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn và mức cấp dưỡng bao nhiêu là phù hợp. Biết được những điều đó, LP&P gửi đến quý bạn đọc bài viết Quy định pháp luật về nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau ly hôn, bài viết này sẽ phân tích sâu hơn về vấn đề trên.

Quy định pháp luật về nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau ly hôn

Đối tượng nào thuộc trường hợp được cấp dưỡng

Căn cứ theo Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con, quy định như sau:

“Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi. Theo đó, nếu vợ chồng sau khi ly hôn có thỏa thuận một bên trực tiếp nuôi con thì bên còn lại có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con chưa đủ 18 tuổi hoặc con đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Quy định về mức cấp dưỡng theo quy định pháp luật

Căn cứ theo Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định mức cấp dưỡng như sau:

  • Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
  • Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Thực tế, pháp luật không quy định về mức cấp dưỡng tối thiểu hoặc tối đa mà cha hoặc mẹ chu cấp cho con. Việc ấn định khoản cấp dưỡng phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên và còn căn cứ vào nhiều yếu tố như thu nhập, khả năng tài chính thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Nếu không thỏa thuận được sẽ do Tòa án xác định giải quyết.

Vấn đề này hiện nay xảy ra nhiều bất cập vì thực tế không có một quy định nào cụ thể ấn định mức cấp dưỡng tối thiểu mà người có nghĩa vụ cấp dưỡng cần phải thực hiện là bao nhiêu.

Ví dụ: Theo Án lệ số 62/2023/AL phần nhận định của Tòa án tại mục số 2 có nêu “Tòa sơ thẩm buộc anh C có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cháu P mỗi tháng 1.500.000đ”.

Nhận thấy rằng, tình huống thực tế có nhiều bản án, mức cấp dưỡng được đưa ra khá thấp, thậm chí một số bản án đã tuyên mức cấp dưỡng không đủ để trang trải nuôi dưỡng con. Do đó, nhà làm luật đang có dự thảo mới về vấn đề này và sẽ sớm có phương hướng giải quyết phù hợp.

Nguyên tắc giải quyết yêu cầu cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn

Nguyên tắc giải quyết yêu cầu cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn

  • Căn cứ theo Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì nguyên tắc giải quyết trong trường hợp này dựa trên sự tự do định đoạt của đương sự. Các bên có quyền tự do thỏa thuận một cách tự nguyện về các vấn đề liên quan đến yêu cầu cấp dưỡng quyền nuôi con và Tòa án phải tôn trọng dựa trên sự thỏa thuận đó.
  • Khi các bên đương sự không tự thỏa thuận hoặc tự định đoạt được thì Tòa án sẽ xem xét giải quyết.

 

Array