Luật Đất đai năm 2013 là Luật hiện hành điều chỉnh các vấn đề về công tác quản lý, sử dụng đất đai. Tuy nhiên quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013 hiện nay có nhiều hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn. Do đó dự thảo sửa đổi Luật Đất đai được tổ chức và sau đây là một số điểm mới của dự thảo.
Một số điểm mới theo dự thảo Luật Đất đai
Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai có bổ sung một số quy định như sau:
- Quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch sử dụng đất cùng cấp đã được phê duyệt. Quy hoạch sử dụng đất các cấp phải tổng hợp, cân đối, phân bổ nhu cầu sử dụng đất của các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất.
- Quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết vùng; bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương và phù hợp với tiềm năng đất đai của quốc gia nhằm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
- Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
(Theo Điều 60 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi))
Đây là điểm mới được quy định dựa theo Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương nhằm bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất tạo sự gắn kết chặt chẽ để thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển.
Bãi bỏ quy định khung giá đất
Theo quy định tại Điều 113 Luật Đất đai 2013 như sau: “Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 05 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp”.
Theo dự thảo mới sẽ bãi bỏ quy định khung giá đất, đây là điểm mới quan trọng được luật hóa theo tinh thần Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương.
Thực tế giá đất thị trường và giá nhà nước quy định có khoảng cách rất lớn, mặc dù Luật Đất đai 2013 đã dựa trên giá thị trường để điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp nhưng tình trạng chênh lệch này vẫn diễn ra tạo cơ hội cho việc tham nhũng, trục lợi. Do đó, dự thảo bãi bỏ quy định này nhằm giảm sự chênh lệch giữa giá trị thị trường và giá nhà nước quy định cũng như phòng ngừa các vấn đề tham nhũng xảy ra trên thực tế.
Thay đổi căn cứ giao đất, cho thuê đất
Theo như quy định tại Điều 52 Luật Đất đai 2013 quy định căn cứ giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sẽ dựa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Dự thảo hiện tại đã thay đổi căn cứ giao đất, cho thuê đất theo hướng căn cứ bằng việc thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Sự thay đổi này dựa theo Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương nhằm khắc phục được tình trạng giao đất, cho thuê đất tùy tiện, tràn lan; thể hiện được sự công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các chủ thể trong giao đất, cho thuê đất.
Bổ sung khoản thu tài chính từ đất đai
Dự thảo luật bổ sung một số khoản thu tài chính từ đất đai gồm:
- Tiền sử dụng đất khi sử dụng đất kết hợp với các mục đích khác của Điều 209 Luật này;
- Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuế tăng thêm đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng.
(Căn cứ theo Điều 147 dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2013).
Bên cạnh đó, bổ sung các khoản thu từ dịch vụ công đất đai tại Điều 149.
Quy định mức thu cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang cũng như việc bổ sung khoản thu cho các dịch vụ công nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; tạo cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả cho các chủ thể tham gia và giảm thiểu việc đầu cơ, trục lợi, chậm sử dụng đất theo mục đích đề ra.
Bổ sung trường hợp thu hồi đất
Dự thảo Luật Đất đai bổ sung một số trường hợp thu hồi đất như sau:
- Xây dựng cơ sở khám chữa bệnh của lực lượng vũ trang nhân dân (Khoản 8, Điều 77 dự thảo);
- Xây dựng nhà khách của lực lượng vũ trang nhân dân (Khoản 9, Điều 77 dự thảo);
- Thu hồi đất trong trường hợp chấm dứt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư mà không thuộc trường hợp được chuyển quyền sử dụng đất, bán tài sản gắn liền với đất theo quy định (điểm g, khoản 1, Điều 81 dự thảo).
- Đồng thời còn sửa đổi và quy định chi tiết hơn các trường hợp thu hồi đất đã được quy định tại Luật Đất đai 2013.
Một số bổ sung trên nhằm quy định cụ thể và chặt chẽ hơn về mục đích, phạm vi thu hồi đất của Nhà nước nhằm mục đích phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp về quyền lợi hợp pháp của người dân.
Quy định về quản lý và sử dụng đất đa mục đích
Điều 209 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định nội dung mới về đất sử dụng đa mục đích được luật hóa dựa trên Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương. Theo đó đề xuất quy định về quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích, đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với kinh tế; đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh; đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm, đất hình thành từ hoạt động lấn biển.
Đây là quy định mới được đưa ra nhằm tạo cơ sở để nhà nước quản lý cũng như tạo điều kiện cho các loại hình kết hợp kinh doanh được phát triển và thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên vì là quy định mới nên nội dung có phần chưa đầy đủ để giải quyết hết những vướng mắc trong thực tế hiện nay và cần có thêm thời gian để điều chỉnh cho phù hợp.